Chủ đề phân loại cá rồng là chủ đề khá phổ biến trên các diễn đàn cá cảnh, cả nội địa lẫn nước ngoài, tuy nhiên chúng tôi có 2 lý do chính để một lần nữa đề cập đến chúng ở đây:
– Thứ nhất: các loài cá khổng tượng châu Phi ( Heterotis niloticus) và khổng tượng Nam Mỹ (Arapaima gigas) nay được xếp vào một họ riêng – họ cá khổng tượng (Arapaimidae). Vì vậy, khi đề cập đến họ cá rồng (Osteoglossidae), chúng ta sẽ không liệt kê các loài cá khổng tượng như vẫn thường làm trước đây. Để phân biệt, chỉ cần nhớ là họ Arapaimidae không có râu như cá rồng.
– Thứ hai: kết quả nghiên cứu khoa học vào năm 2003 của nhà khoa học Pháp Pouyaud và đồng sự trên các loại cá rồng ở Indonesia đã phân lập một số loài mới so với loài duy nhất vẫn được biết đến nay là Scleropages formosus. Chúng gồm huyết long, kim long hồng vĩ và thanh long Borneo. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin này ở đây.
Chúng tôi cũng lập bản đồ chi tiết về những vùng phân bố tự nhiên của các loài cá rồng trên thế giới, hy vọng rằng chúng sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu hiểu biết về cá rồng cho cá bạn yêu thích
Cá rồng châu Á: Cá rồng châu Á là một trong những loài cá cảnh hàng đầu bởi vì danh tiếng, giá trị và vẻ đẹp tự nhiên của chúng. Được xem là có hình dạng và dáng bơi tương tự như con rồng trong truyền thuyết, người ta tin tưởng rằng cá rồng tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng, của cải và sức khỏe. Vì vậy, chúng được nuôi với mong muốn đem lại tác dụng phong thủy tích cực. Ngoài ra, màu sắc của một số loài cá rồng châu Á như huyết long và kim long quá bối cũng đẹp nhất trong họ cá rồng nói chung.
Cá rồng châu Á phân bố ở các nước trong vùng Đông Nam Á và có quan hệ họ hàng gần với cá rồng châu Úc hơn là cá rồng Nam Mỹ. Vây ngực và vây hậu môn của chúng lùi xa về phía sau tuy nhiên cá rồng châu Á chỉ có 5 hàng vảy mỗi bên thân so với 7 hàng vảy ở cá rồng châu Úc. Điều ngạc nhiên là dù rất nổi tiếng nhưng những nghiên cứu khoa học liên quan đến cá rồng châu Á lại khá ít ỏi, bằng chứng là trong một thời gian rất dài tất cả cá rồng châu Á đều được gộp chung dưới một tên khoa học là Scleropages formosus cho dù chúng có bề ngoài rất khác biệt.
Sự đa dạng về chủng loại cá rồng trên thị trường cá cảnh là một minh chứng cho điều này. Nghiên cứu của Pouyaud và đồng sự (2003) đã phân lập các loài cá rồng ở Indonesia thành những loài riêng biệt gồm huyết long (Scleropages legendrei), thanh long Borneo (Scleropages macrocephalus) và kim long hồng vĩ (Scleropages aureus). Kim long quá bối và thanh long Nami vẫn được xếp chung với thanh long dưới tên Scleropages formosus cho dù chúng cũng có thể là những loài riêng biệt.
Thậm chí, trong từng loài cũng có thể có những dòng khác nhau. Về màu sắc, bên cạnh màu chủ đạo nằm ngoài viền vảy, màu ở trung tâm vảy gọi là màu nền. Ở mỗi loài lại phân ra nền xanh dương “blue-based”, nền xanh lá “green-based”, nền vàng “gold-based”, nền tím “purple-based”… Màu nền lan rộng trên mặt vảy làm màu viền hẹp lại là loại vảy bản mỏng “thin frame”, bằng ngược lại màu nền co cụm ở tâm vảy là loại vảy bản dày “thick frame”.
Về hình dáng, có dạng đuôi hình thoi “diamond shape” và dạng đuôi hình quạt “fan shape”, có dạng đầu hình muỗng “spoon head” và dạng đầu hình viên đạn “bullet head”, có dạng thân rộng và ngắn, có dạng thân dài và mảnh mai… Việc lai chéo (cross breed) các dòng cá rồng hoang dã ở một loài diễn ra khá phổ biến trong các trang trại cá cảnh ở Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Do đó, các nghiên cứu khoa học về cá rồng châu Á gặp rất nhiều khó khăn vì phải dựa vào các cá thể hoang dã vốn còn sót lại rất ít.
1. Huyết long (Scleropages legendrei)
Huyết long (super red) là loài cá rồng phân bố ở thượng lưu sông Kapuas và vùng hồ Sentarum, tỉnh Tây Kalimantan, đảo Borneo, Indonesia. Hồ Sentarum là một tập hợp gồm vô số những hồ nhỏ ăn thông với nhau bằng hệ thống kinh rạch chằng chịt và đổ ra sông Kapuas.
Vùng này phủ đầy bùn đất phát sinh từ lá cây và gỗ mục tạo ra môi trường sống hoang dã cho loài cá sơ khai này, dòng nước đen và nguồn thức ăn đa dạng có tác động tích cực lên màu sắc và hình dạng của chúng. Sự đa dạng về môi trường sinh thái này có thể là nguyên nhân tạo ra vô số những đặc điểm phân hóa ở loài huyết long. Chẳng hạn một số cá thể có thân rộng, một số khác có đầu hình muỗng (spoon head), một số có màu rất đỏ hay một số lại có màu nền rất sậm.
Nghiên cứu của các nhà khoa học ở trường Đại học Quốc gia Singapore vào năm 2005 trên 41 cá thể huyết long hoang dã cho thấy độ khác biệt về gen giữa các cá thể là khá lớn, điều này chứng tỏ sự tồn tại của những dòng cá huyết long khác nhau. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại không đề cập gì đến đặc điểm bề ngoài của chúng. Việc nghiên cứu xa hơn trong tương lai có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn vì số lượng cá huyết long đang bị suy giảm nghiêm trọng do những biến đổi về môi trường mà chủ yếu là việc khai thác rừng.
Thực tế, những nhà kinh doanh cá rồng trước đây đã chia huyết long thành hai loại dựa trên màu sắc của chúng, đó là “chili red” phân bố ở vùng phía Nam và “blood red” phân bố ở vùng phía Bắc hồ Sentarum. Loại “chili red” có màu đỏ tươi, thân rộng và dày, trong khi “blood red” có màu đỏ sậm, thân dài và mảnh. “Chili red” dày đều từ đầu cho đến đuôi trong khi “blood red” lại thuôn về phía đuôi. Loại “chili red” có nền xanh “green-based”, đầu hình muỗng (spoon head) và đuôi hình thoi trong khi loại “blood red” có màu đỏ sậm, nền đen nâu “dark-based”, đầu hình viên đạn (bullet head) và đuôi hình quạt.
Loại “chili red” có mắt màu đỏ và to trong khi loại “blood red” có mắt nhạt màu và nhỏ hơn. Mắt “chili red” lớn đến nỗi có khi viền ngoài của nó “chạm” đến đầu và hàm dưới. Đuôi của “blood red” hình quạt trông đẹp hơn đuôi hình thoi của “chili red”. Đặc điểm này phát triển khi cá còn non giúp chúng ta có thể phân biệt được 2 loại cá một cách dễ dàng.
Dù có khác biệt, cả hai đều chuyển sang màu đỏ thực thụ khi đến tuổi trưởng thành. “Chili red” lên màu chậm hơn 1-2 năm so với “blood red” nhưng màu tuyệt đẹp với loại vảy bản mỏng “thin frame”. Quá trình lên màu của cả hai tương tự như nhau.
Màu cam thường là màu trung gian trước khi cá chuyển sang màu đỏ. Cá biệt có con đến 8 tuổi mà vẫn nhợt nhạt nhưng bỗng lên màu đỏ rực chỉ trong một thời gian ngắn làm người nuôi ngỡ ngàng. Việc đánh giá về huyết long đôi khi gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực và kiên nhẫn để phát hiện ra tiềm năng thực sự của một con huyết long non.
“Chili red” và “blood red” là tên gọi của các loại cá rồng hoang dã. Nên nhớ rằng các cá thể hoang dã bị cấm mua bán vì chúng là động vật cần được bảo vệ. Các trang trại cá cảnh thường lai chéo hai loại cá này với nhau để cho ra giống huyết long “super red”, cho nên trên thực tế, dòng huyết long thuần chủng đúng nghĩa không hề tồn tại trên thị trường cá cảnh cho dù có những cá thể mang đặc điểm của “chili red” hay “blood red”.
Cá huyết long chất lượng cao thường có màu vây đỏ sậm và đều ngay từ khi còn nhỏ. Chúng còn có màu sắc nổi bật và lưng thật sậm màu. Những con cá đẹp cũng có nhiều màu ánh kim trên thân. Đặc điểm này hiện rõ khi quan sát cá dưới ánh sáng tự nhiên. Khi cá đạt 25-30 cm, nắp mang và viền vảy phải có màu tím hay đỏ nâu, còn nếu chỉ hanh vàng là không đạt.
Huyết long loại hai như “Banjar red” cũng thường được bán lẫn lộn như huyết long chính hiệu nhưng có thể nhận biết vì vảy và vây của chúng luôn nhạt màu hơn.
Những loại huyết long thương mại khác như “golden red” và “orange red” cũng là cá lai và không bao giờ đạt đến màu đỏ thực sự. Tuy nhiên, nếu cá kém chất lượng được cho ăn chất lên màu thì rất khó phân biệt vì chúng cũng đỏ rực như huyết long. Người nuôi cá không nên ham rẻ, tốt nhất là mua cá từ nguồn cung cấp uy tín, cá có gắn chip và cấp giấy chứng nhận đàng hoàng.
Địa bàn phân bố tự nhiên của huyết long (Scleropages legendrei): thượng lưu sông Kapuas và hồ Sentarum, tỉnh Tây Kalimantan. Địa bàn phân bố của thanh long Borneo (Scleropages macrocephalus): các nhánh sông Melawi và Pinoh (dòng greytail), tỉnh Tây Kalimantan và sông Barito (dòng yellowtail), tỉnh Trung Kalimantan. |
2 Kim long quá bối (crossback golden)
Kim long quá bối (crossback golden) còn được gọi là “kim long Malaysia”, đây là một trong hai giống cá rồng đẹp và mắc tiền nhất trên thị trường cá cảnh (loài kia là huyết long). Thật không may, đợt nghiên cứu của nhà khoa học Pouyaud và đồng sự vào năm 2003 đã bỏ qua giống cá này với lý do không có đủ mẫu vật để nghiên cứu.
Vì vậy, giống này hiện vẫn được xếp chung với thanh long dưới tên khoa học Scleropages formosus, tuy nhiên, căn cứ vào các đặc điểm bề ngoài, chúng rất tương đồng với loài kim long hồng vĩ, điều này giúp suy đoán rằng cả hai có quan hệ họ hàng gần với nhau. Kim long quá bối phân bố ở bang Pahang và hồ Bukit Merah, bang Perak, Malaysia (có tài liệu còn liệt kê thêm các bang Johor và Trengganu).
Chúng có đầu to và thân tương đối ngắn so với các giống cá rồng châu Á khác. So với kim long hồng vĩ, kim long quá bối có màu vàng sáng hơn và luôn phát triển lên đến hàng vảy thứ năm.
Nhìn chung, một con kim long quá bối chất lượng phải có màu sắc trên vảy, nắp mang và vùng xung quanh mắt sáng và đều, màu sắc phát triển lên tới lưng, đặc biệt là vùng gần vây lưng khi cá còn rất nhỏ (dưới 15 cm).
Kim long quá bối được chia thành nhiều loại bao gồm “blue-based”, “purple-based”, “green-base”, “gold-based” và “silver-base” tùy thuộc vào màu sắc ở tâm vảy. Các loại “Blue-based” và “purple-based” là như nhau vì màu xanh hay tím là tùy vào góc nhìn, khi còn nhỏ loại cá này thường sậm màu. Những con có màu xanh đậm và sáng lan rộng trên vảy và nắp mang lớn lên sẽ rất đẹp.
Với loại này, màu xanh ở tâm vảy thường lan rộng làm màu vàng trên viền vảy hẹp lại (thin-frame). Loại “gold-based” khi còn nhỏ thường có màu vàng nhạt, màu sắc của chúng phát triển lên lưng sớm hơn so với những loại khác.
Loại này trông rất hấp dẫn bởi vì khi trưởng thành toàn thân vàng óng giống như thỏi vàng 24K di động! Với loại này, màu vàng đậm ở tâm vảy thường co lại làm màu vàng trên viền vảy rộng (thick-frame).
Thực tế, đôi khi rất khó phân biệt kim long quá bối thuộc loại nào kể trên vì ngày nay người ta lai chéo (cross breed) các loại với nhau. Việc lai chéo cũng giúp tạo ra những loại kim long quá bối đặc biệt như “platinum” và “royal blue”. Những loại mới này rất đẹp nên giá cũng rất cao và thường được bán qua các thị trường cao cấp như Nhật Bản và Đài Loan.
3 Kim long hồng vĩ (Scleropages aureus,HighBack Golden)
Loài này còn có tên là “kim long Indonesia”. Chúng phân bố ở đảo Sumatra, Indonesia trong các ao, hồ nhỏ dọc theo con sông Siak, đoạn chảy qua vùng Pekanbaru, tỉnh Riau và dọc theo con sông Batanghari, đoạn chảy qua khu bảo tồn Berbak, tỉnh Jambi.
Loài này có lưng và 1/3 vây lưng (phần chóp) sậm màu, phần vây lưng còn lại, vây đuôi và vây hậu môn màu hanh đỏ hay nâu. Khi còn non, cá có màu hơi ửng vàng nhưng khi trưởng thành, tức đạt kích thước khoảng từ 28-34 cm, màu sắc của chúng sẽ phát triển tối đa và cá có màu vàng sậm.
Giống như kim long quá bối, loài này cũng được chia thành nhiều loại gồm “green-based”, “blue-based” và “gold-based” tùy vào màu sắc ở tâm vảy.
Tuy nhiên, kim long hồng vĩ được xếp hạng thấp hơn bởi vì màu vàng của chúng không sáng bằng kim long quá bối, mặt khác màu sắc thường chỉ phát triển đến hàng vảy thứ tư khi cá trưởng thành.
Những con cá có chất lượng tốt hơn gọi là “cao lưng” (highback) kim long hồng vĩ có màu sắc phát triển lên đến hàng vảy thứ năm nhưng không bao giờ vượt quá lưng, màu trên nắp mang và viền vảy nổi rõ ngay cả khi cá còn non, độ khoảng 15 cm. Vây của chúng có màu đỏ sậm.
So với kim long quá bối, kim long hồng vĩ có sức chịu đựng tốt, đầu nhỏ, thân dài và hung dữ hơn nên thường được nuôi từng con riêng rẽ. Giá của kim long hồng vĩ cũng tương đối “mềm” hơn so với kim long quá bối và huyết long nên được nhiều người chọn nuôi.
Địa bàn phân bố tự nhiên của loài kim long hồng vĩ : vùng Pekanbaru, tỉnh Riau và khu bảo tồn Berbak, tỉnh Jambi. |
So sánh Kim long hồng vĩ và Cao Lưng hồng vĩ (high back golden)
Kim long hồng vĩ (Scleropages aureus) bình thường có màu sắc không vượt quá hàng vảy thứ tư. |
“Cao lưng” kim long hồng vĩ có màu sắc phát triển lên đến hàng vảy thứ năm. |
4 Thanh long (Scleropages formosus)
Đây là loài cá rồng có giá trị thấp nhưng lại phổ biến nhất trong số những loài cá rồng châu Á. Loài thanh long phân bố rất rộng bao gồm các đảo Borneo và Sumatra ở Indonesia, Malaysia, miền Nam Thái Lan, Campuchia và miền Nam Việt Nam.
Thanh long có kích thước tối đa khoảng 60 cm, lưng màu xanh sậm, thân màu bạc hay phớt xanh, màng vây màu xanh tím (đặc điểm chính để phân biệt với loài thanh long Borneo), tia vây màu đỏ nâu. Ở những cá thể trưởng thành, vùng xung quanh mắt chuyển sang màu xanh ngọc.
Chúng thường có dạng đầu hình viên đạn. Điều nữa cần để ý đó là ở đảo Borneo có cả hai loài thanh long là thanh long thường (Scleropages formosus) và thanh long Borneo (Scleropages macrocephalus).
Thanh Long size nhỏ |
Thanh Long trưởng thành. |
Cá rồng châu Úc
Cá rồng châu Úc nhìn chung có vảy nhỏ hơn so với cá rồng châu Á. Mỗi bên thân cá rồng châu Úc có 7 hàng vảy so với 5 hàng vảy ở cá rồng châu Á. Đường bên cá rồng châu Úc có từ 32-35 vảy so với từ 21-25 vảy ở cá rồng châu Á. Một đặc điểm khác để nhận dạng đó là cặp râu cá rồng châu Úc không chỉa thẳng ra phía trước như cá rồng châu Á mà quặp xuống như râu dê. Khác với cá rồng châu Á và Nam Mỹ, cá rồng châu Úc cái làm nhiệm vụ ngậm và ấp trứng.
Cá rồng châu Úc được biết là loài xác định lãnh thổ và hung dữ nhất trong số các loại cá rồng, đặc biệt là loài Scleropages leichardti.
Chúng ta cần để ý đến yếu tố này khi nuôi chung cá rồng châu Úc với nhau và với những loài cá khác, tốt nhất là nên nuôi chúng riêng rẽ. Cá rồng châu Úc không nằm trong danh sách các động vật cần được bảo vệ. Thông tin và hình ảnh về chúng thường được tìm thấy trên các trang web giới thiệu về câu cá ở Úc! Giá cá rồng châu Úc từ 20-200 đô-la/1 con tùy theo kích cỡ và màu sắc.
Kim Long Úc (Scleropages jardinii)
Trân châu long (pearl arowana) còn được biết dưới các tên gọi khác như Gulf Saratoga hay Northern Spotted Barramundi. Loài này phân bố trong các con sông và dòng chảy đổ ra vịnh Carpentaria thuộc các bang Queensland và Northern Territory, châu Úc. Người ta còn ghi nhận sự xuất hiện của chúng ở vùng cực nam của đảo New Guinea. Chúng thích hợp với môi trường nước trong ở thượng nguồn các con sông.
Kích thước tối đa của trân châu long là 90 cm nhưng khi nuôi trong hồ kính cá thường chỉ đạt khoảng 60 cm. Ở cá non vây thường có màu hồng nhưng khi cá trưởng thành màu hồng sẽ mất đi, nắp mang xuất hiện hoa văn vằn vện màu đỏ đồng.
Lưng cá có màu xám phớt xanh hay nâu, thân màu đồng ánh vàng, màu sắc xuất hiện trên viền ngoài của vảy, các chấm trên mặt vảy màu vàng, cam hay đỏ và nằm sát với nhau tạo thành viền xen kẽ. Vây màu đen với những chấm lớn màu vàng cam hay đỏ.
Trân châu long thường lưu hành trên thị trường cá cảnh dưới tên gọi “kim long Úc”, đặc biệt có những con màu đỏ-nâu rất hiếm và đắt được gọi là “hồng long Úc”.
Cá thường sinh sản vào tháng 10, tức đầu mùa mưa ở Úc. Mối lần cá cái đẻ từ 50-100 trứng, cá cái ấp trứng trong khoảng 5 tuần.
Cá rồng Nam Mỹ
Cá rồng Nam Mỹ phân biệt với cá rồng châu Á và châu Úc ở bộ vây. Ở cá rồng Nam Mỹ, Vây lưng và vây hậu môn bắt đầu từ phần giữa thân và chồng xếp lên vây đuôi tạo ra cảm giác chúng là một dải liên tục, vây ngực và đuôi nhỏ so với thân mình.
Trong khi ở cá rồng châu Á và châu Úc, vây lưng và vây hậu môn ngắn và lùi xa về phía sau, vây ngực và đuôi khá lớn so với thân mình.
Tuổi thọ của cá rồng Nam Mỹ có thể lên đến 20 năm. Ngoài môi trường tự nhiên, cá rồng sống ở sông rạch và đầm lầy.
Khi mực nước rút, chúng có thể tụ tập thành bầy đi săn mồi. Khi nước lên, cá rồng tản mác đi khắp nơi. Chúng săn mọi loại thức ăn nổi trên mặt nước như cá nhỏ, côn trùng, ếch nhái, thậm chí cả chim, bò sát và thú non, nói chung là tất cả những gì vừa với miệng của chúng!
1 Ngân long (Osteoglossum bicirrhosum)
Cá ngân long (silver arowana) phân bố ở lưu vực sông Amazon, sông Rupununi (Guyana) và Oyapock (French Guyana), Nam Mỹ. Loài này có kích thước tối đa 1.2 mét, vảy to, hàm dưới trề, thân hình trông giống như con dao bầu và không nằm trong danh sách các loài cá phải bảo vệ.
Khi còn nhỏ, thân cá thường có những lằn xanh ánh kim và cam, đầu và vây có những đốm đen, viền vây màu hồng. Khi trưởng thành, cá chuyển sang màu ánh bạc. Cá đực có vây hậu môn dài và nhọn hơn cá cái.
Ngân long (Osteoglossum bicirrhosum). |
Cá ngân long có giá thành tương đối rẻ, 20-25 đô-la một con nên chúng là loài cá rồng được nuôi phổ biến nhất. Tuy nhiên, tài liệu nghiên cứu gần đây ở Peru (Moreau & Coomes, 2006) cho thấy tình trạng khai thác cá rồng đến cạn kiệt đang diễn ra, bên cạnh đó người dân địa phương thu hoạch cá ngân long non bằng cách… chặt đầu cá bố để tránh chúng nuốt con vào bụng.
Các hạn chế săn bắt tạm thời của nước sở tại trong thời gian cá sinh sản tỏ ra không có tác dụng. Hiện tại, người ta đang vận động đưa cá ngân long vào danh mục các loài cá cần được bảo vệ tương tự như cá rồng châu Á và cá khổng tượng Arapaima gigas. Nếu điều này thành sự thực thì giá cá ngân long trong tương lai có thể sẽ tăng cao.
Địa bàn phân bố tự nhiên của cá ngân long: lưu vực sông Amazon (vùng màu xanh) và các nước Guyana, French Guyana ở phía Đông Bắc. Cá hắc long chỉ phân bố trong nhánh sông Negro. |
2 Hắc long (Osteoglossum ferreirai)
Cá hắc long (black arowana) phân bố ở lưu vực sông Negro (hình trên), một nhánh thuộc sông Amazon. Cá hắc long có hình dạng tương tự như cá ngân long nhưng vây và thân có màu đen khi cá còn non. Khi cá trưởng thành, thân chuyển sang màu xám, vây màu phớt xanh nên có người còn gọi chúng là “blue arowana”.
Cá hắc long hơi nhỏ hơn cá ngân long, chúng có kích thước tối đa 1 mét. Cá hắc long có giá tương tự như cá ngân long nhưng những con cá non có vây xanh lại được bán với giá khá cao, khoảng 500 đô-la/1 con 25 cm
Những con hắc long có vây màu xanh khi còn khá nhỏ như trên được người ta gán cho tên mới “blue arowana” (Osteoglossum cf. ferreirai) với mục đích thương mại. Bởi vì không hề có chứng cớ khoa học nào hỗ trợ cho điều này nên thực chất chúng chỉ là cá hắc long (Osteoglossum ferreirai) mà thôi |
Hắc Long khi trưởng thành. |