Bài này là đánh giá của cá nhân mình về các loại ốc đã đang và sắp trải nghiệm trong Bể nuôi cá cảnh nói chung và nuôi Guppy nói riêng.
1. Ốc táo đỏ
– Ưu điểm: Trông khá cute, số lượng đông trong bể sẽ gần như không còn thấy tảo xanh, tảo nâu bám mặt kính nữa.
– Nhược điểm: Do là loài lưỡng tính nên việc sinh sản vô tội vạ ở loài ốc này là quá kinh khủng. Anh em nên cân nhắc trước khi thả loại ốc này vào bể vì chỉ sau vài ngày thôi hàng hà sa số trứng và ốc con sẽ nhan nhản trong bể. Chính vì thế nhiều anh em sau thời gian ban đầu hào hứng đi xin thậm chí đi mua về chơi mà sau đó lại phải tìm cách….DIỆT ỐC TÁO ĐỎ!
2. Ốc táo vàng:
– Ưu điểm: Trông ngoại hình xinh đẹp, bắt mắt, khi thả vào trong bể sẽ tăng tính thẩm mỹ cho bể cá của bạn. Sinh sản cần có đủ đực, cái, thời kỳ sinh sản con cái sẽ đẻ trứng lên mặt kính hoặc các lá thuỷ sinh. Trứng sẽ nở sau khoảng 10 ngày. Bọn này ăn lá cây rữa, thối, và phân cá, hoạt động về đêm và kiếm ăn ở tầng đáy. Nghe vẻ khá ổn.
– Nhược điểm: Chưa nuôi nên chưa biết.
3. Ốc táo tím:
– Ưu điểm: Ốc to đến tầm ngón tay cái trông cũng khá đẹp, màu tím thuỷ chung ai nhìn cũng mến.
. Cũng giống như ốc táo vàng thì loại này sinh sản cũng cần đực cái và thức ăn cũng như cách thức sinh hoạt khá tương đồng.
– Nhược điểm: Nuôi mãi chả thấy đẻ!
4. Ốc Nerites (Nerita):
– Ưu điểm: Cũng không còn thấy tảo trên bề mặt kính khi sử dụng loại này với mật độ ốc phù hợp thể tích bể.
– Nhược điểm: Xấu, có màu nâu đặc trưng và các sọc đen trên vỏ ốc. Ảnh minh hoạ là con ốc Nerita đẹp nhất mình từng thấy, chứ ở ngoài nhìn nó xấu vật. Điểm trừ lớn nhất và lý do làm mình gần như không sử dụng nó nữa là….chuyên gia VƯỢT RÀO. Bạn sẽ không bất ngờ khi mỗi ngày bể của bạn sẽ mất đi 1,2 con không lý do. Để vào 1 ngày đẹp trời khi dọn dẹp, quét nhà cửa sẽ thấy vài cái vỏ ốc oẻ dưới sàn nhà vì bọn này nó bò cả ra ngoài bất chấp môi trường không có nước.
Bài viết được chia sẻ bởi Facebook : Loi Pham