Cá phượng hoàng còn được xem là nữ hoàng trong bể thủy sinh, bởi đúng với cái tên của chúng, những màu sắc rực rỡ kiều diễm ấy đã để lại những dấu ấn khó quên trong tâm trí của những tay nuôi chuyên nghiệp. Tuy không quá khó nuôi nhưng chúng cũng cần có những kỹ thuật nuôi, chăm sóc riêng, hãy thichcacanh.com cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn nhé.
Giới thiệu về cá Phượng Hoàng
Cá phượng hoàng có tên khoa học là Mikrogeophagus ramirezi, thuộc họ cá rô phi. Chúng là một loài cá đặc hữu tự nhiên của lưu vực sông Orinoco, ở các savan của Venezuela và Colombia tại Nam Mỹ. Với vẻ đẹp độc đáo của mình, ngày nay chúng đã được biết đến nhiều hơn với vai trò là những chú cá cảnh. Trải qua quá trình nhân giống và lai tạo chúng trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn.
Cá phượng hoàng có màu sắc rất đẹp, đặc biệt chúng không chỉ có một màu mà toàn thân lại có màu ngũ sắc cầu vồng lấp lánh và những đốm xanh rải đều khắp mình. Phần lưng màu sẫm, nhạt dần về phía bụng và có một đường sẫm chạy dọc từ sau nắp mang đến gốc đuôi. Các vây cá ở phần cuối đều kéo dài thêm. Vây đuôi một thùy, phần cuối nhọn, tương tự như một chiếc quạt tròn rất đẹp.
Đặc biệt ở cá đực, phía trước vây lưng có hai tia cứng thứ hai và thứ ba dài. Điểm đặc biệt hơn ở loài cá này đó chính là ở dưới ánh sáng trực tiếp, màu sắc cá biến đổi liên tục theo cường độ ánh sáng, tạo cho cá một vẻ đẹp huyền ảo hơn hẳn các loài cá khác. Chúng có chiều dài khoảng 5cm, sống tốt ở nhiệt độ 23-30 độ C
Cá phượng hoàng sống được ở mọi tầng nước, nên nuôi ghép trong hồ có nhiều cây thủy sinh với ánh sáng vừa phải, yêu cầu lọc nước sục khí nhiều, cá ít nhiễm bệnh. Cá khỏe mạnh nếu được nuôi trong nguồn nước sạch hơi mềm (pH thích hợp: 6,0 – 7,5) và bộ lọc thường xuyên hoạt động hay định kỳ thay nước vì cá rất nhạy cảm với nitrít độc hại sinh ra bởi phân thải và thức ăn thừa.
Cá Phượng Hoàng nuôi chung với cá nào?
Chúng rất thích được hoạt động, bơi lội, hiền và đặc biệt có tập tính sống theo cặp và rất thích hợp để nuôi chung với các loài cá khác nhau.
Các loài cá thích hợp như neon, thần tiên, mún, kiếm, chuột, đĩa….
Cá Phượng Hoàng ăn gì?
Thức ăn cho cá phượng hoàng: Cá ăn tạp thiên về động vật, thức ăn bao gồm trùng chỉ, cung quăng, giáp xác, côn trùng nhỏ và thức ăn viên.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên cho cá ăn với một lượng vừa phải để tránh thừa thức ăn gây ảnh hưởng đến môi trường nước.
Đến mùa sinh sản cần trang bị thêm giá thể cho cá ẩn nấp như đá, sỏi, gỗ. Môi trường nuôi tốt cá sẽ lên màu rất đẹp, khi cá bệnh yếu chúng sẽ bị sẫm màu hoặc xuất hiện những sọc đen đậm dọc thân, chính vì vậy bạn nên theo dõi một cách liên tục để kịp thời xử lý.
Cá Phượng Hoàng sinh sản
Cá phượng hoàng ghép đôi, vờn nhau và đẻ trứng
Hình thức sinh sản: Cá phượng hoàng bắt cặp sinh sản, đẻ trứng dính lên giá thể được dọn sẵn, cá bố mẹ chăm sóc trứng và cá con.
Tuy nhiên, cá phượng hoàng bố mẹ lại thích ăn trứng của chính mình và trứng của chúng lại rất dễ bị tấn công bởi vi khuẩn và nấm và chết. Bởi vậy, khi chăm sóc cá đẻ bạn phải để ý và chăm chút thật kỹ lưỡng, xử lý nước trong bể thật sạch sẽ.
Để cá có thể sinh sống một cách tốt nhất, người nuôi nên chú ý đến những yêu cầu sau:
-Bể nuôi với bất cứ hình dạng nào có diện tích đáy khoảng 300cm2 cũng có thể giúp cá Phượng Hoàng bắt cặp và sinh sản. Rửa bể nuôi thật sạch sẽ, trải một lớp nền mỏng bằng sỏi nhỏ (1 – 2cm là đủ), đổ nước và chờ đợi nước lắng xuống. Ngoài ra trước khi thả cá, nên sử dụng nước đã khử clo. Phơi nước trong khoảng 3 – 4 ngày cho nước bay hơi hết clo, sau đó mới nên thả cá vào bể.
-Tuy nhiên, người nuôi nên chú ý hơn đến khu vực mà cá đẻ trứng. Ở khu vực này nước nên có tính axit cao hơn một chút và nhiệt độ nước không bao giờ được thấp hơn 25 độ C.
-Nên cho dòng chảy nước ở khu đẻ trứng chảy nhẹ nhàng để không gây ảnh hưởng đến trứng, lúc này nên hạn chế sục khí.
-Trong giai đoạn sinh nở, không nên cho cá ăn thức ăn đông lạnh và thức ăn khô nên cho cá ăn trùn chỉ.
Cá phượng hoàng chăm con rất kỹ
-Sau khoảng 2-3 ngày cá bố mẹ sẽ bắt cặp với nhau và tiến hành giao phối, đẻ trứng. Tùy vào độ tuổi của cá sẽ quyết định số lượng trứng được sinh ra là bao nhiêu, số lượng trứng có thể dao động từ khoảng 70 – 80 trứng cho đến 300 – 400 trứng.
-Khi cá cái đẻ, cá phượng hoàng đực thường ở lại canh gác trứng và bảo vệ lãnh thổ của mình. Sau khi trứng nở, cá con nằm trên bề mặt trong khoảng 5 đến 7 ngày. Sau đó cá bố bắt đầu đưa cá con vào những chiếc hố đã được đào sẵn trên đáy bể. Cá bố mẹ tiếp tục bơi cùng để chăm sóc cá con khi chúng đã biết bơi. Cá bố sẽ bơi cùng dạy cá con cách kiếm ăn. Ở giai đoạn đầu cá con thường chỉ ăn giun nhỏ và ấu trùng. Sau vài ngày, nên tách cá con sang những bể nuôi không rải đáy vì điều này giúp cho việc vệ sinh bể dễ dàng hơn. Thông thường lượng cá con còn sống sót sẽ chiếm 1/3 số cá ban đầu và chúng bắt đầu lên màu sau khoảng 90-100 ngày tuổi.
Mời bạn xem thêm: “Mách bạn” kỹ thuật nuôi Cá Chuột Mỹ đúng cách
[…] Mời bạn xem thêm: Tất tần tật về cá Phượng Hoàng – “Nữ hoàng bể thủy sinh” […]